Giải mã chỉ số chống nước của đồng hồ đeo tay cho người mới
1. Định nghĩa chỉ số chống nước của đồng hồ đeo tay
Chỉ số chống nước thường được biểu thị bằng ký hiệu WR (Water Resistant), là thước đo khả năng tiếp xúc với nước của đồng hồ. Chỉ số này được nghiên cứu trong môi trường lý tưởng tại phòng thí nghiệm, mô phỏng áp lực nước ở một độ sâu nhất định.
Tuy vào thương hiệu và nhà sản xuất, đơn vị chỉ số chống nước của đồng hồ đeo tay có thể khác nhau. Thông thường, thông số này được in trực tiếp trên mặt sau hoặc vỏ của model. Một số đơn vị phổ biến bao gồm:
- ATM: Đơn vị đo áp suất nước phổ biến nhất, 1 ATM tương đương với áp suất tại độ sâu 10m dưới nước.
- WR: Chỉ số này xuất hiện ở một số dòng đồng hồ, đơn vị được tính bằng mét. Giả sử WR 20 mang ý nghĩa chịu được áp lực nước tương đương ở độ sâu 20m.
- BAR: Đơn vị này tương đương ATM, được sử dụng phổ biến tại châu Âu.
Các chỉ số chống nước 10m, 30m, 50m thường khiến người dùng bị hiểu lầm. Thực tế, đây không phải đại diện độ sâu thật sự mà đồng hồ có thể chịu áp lực. Thông số này là đơn vị quy đổi áp lực nước ở chiều cao đó tác động lên diện tích nhất định. Vì vậy, nếu thấy đồng hồ ghi chỉ số kháng nước 30m, 50m, 100m,... không đồng nghĩa với việc bạn có lặn ở độ sâu tương ứng. Bên cạnh đó, nếu thiết bị đi kèm với chữ Driver hoặc Driver’s thì chúng được chế tác chuyên biệt để có thể lặn ở độ sâu ghi trên đồng hồ.
Ba đơn vị kháng nước phổ biến là ATM, WR, BAR
2. Tìm hiểu các cấp độ chống nước phổ biến
Cấp độ chống nước trên đồng hồ biểu thị khả năng kháng nước, bảo vệ bộ máy bên trong khỏi sự xâm nhập của nước. Chỉ số này thường được đo bằng đơn vị ATM (Atmosphere). Thông số càng cao, đồng hồ chịu nước càng tốt, cho phép người dùng tiếp xúc với áp suất càng lớn. Hiện nay, đồng hồ có chỉ số kháng nước dao động từ 1ATM đến 20ATM.
2.1. Chống nước 1ATM
Nếu bạn thấy con số 1ATM trên đồng hồ có nghĩa thiết bị chịu được áp suất tương đương với độ sâu 10m trong điều kiện tĩnh. Người đeo có thể sử dụng phụ kiện khi rửa tay với dòng nước nhẹ hoặc đi ngoài trời mưa nhỏ.
2.2. Chống nước 3ATM
Sở hữu chỉ số kháng nước 3ATM, đồng hồ có thể chịu được áp suất ở độ sâu 30m trong môi trường tĩnh. Bạn có thể đeo sản phẩm khi rửa tay, đi mưa nhỏ, tham gia hoạt động đổ mồ hôi nhiều. Tuy nhiên, phụ kiện không phù hợp khi tắm vòi sen hoặc ngâm nước lâu.
Xem thêm: Cách bảo quản đồng hồ khi không sử dụng? Hướng dẫn chi tiết
2.3. Chống nước 5ATM
Đồng hồ có khả năng chịu nước tương đương độ sâu 50m, an toàn với các hoạt động tiếp xúc nước hàng ngày. Bạn có thể dùng khi tắm vòi sen, bơi nhẹ ở vùng nước nông. Người đeo không nên sử dụng phụ kiện khi bơi quá lâu hoặc lặn vì sẽ khiến bộ máy bị ảnh hưởng đáng kể.
Đồng hồ chống nước 5ATM có thể dùng đi mưa, rửa tay, đi tắm
2.4. Chống nước 10ATM
Thực tế, đồng hồ có thể chịu áp suất tương đương độ sâu 100m, thích hợp cho hoạt động bơi lội, lặn nông 5 -10m. Tuy nhiên, người dùng cũng không được chủ quan mang sản phẩm lặn sâu với bình dưỡng khí vì sẽ vượt quá khả năng kháng nước cơ bản.
2.5. Chống nước 20ATM
Đây là mức kháng nước phù hợp với các hoạt động lặn chuyên sâu, bơi trong môi trường nước mạnh. Để duy trì khả năng chịu nước bền bỉ, người dùng nên mang thiết bị đi bảo dưỡng định kỳ. Đồng hồ sở hữu chỉ số 20ATM thường có van thoát khí heli, chất liệu thép không gỉ hoặc titanium, kính sapphire siêu bền.
2.6. Chỉ số kháng nước đặc biệt
Ngoài những chỉ số chống nước trên, các nhà sản xuất đồng hồ cũng chế tác sản phẩm chuyên dụng có khả năng chịu nước cao vượt trội như 770m/ 77 ATM/77 BAR, 100 ATM, 200 ATM,... Đây là các dòng đồng hồ thiết kế riêng cho thợ lặn chuyên nghiệp, phục vụ hoạt động khám phá đại dương.
3. Từng loại đồng hồ có khả năng chịu nước như thế nào?
Tuỳ thuộc vào cấu tạo và mục đích sử dụng, mỗi dòng đồng hồ sẽ có mức độ chịu nước khác nhau, cụ thể như:
- Đồng hồ siêu mỏng: kháng nước yếu, hạn chế tối đa tiếp xúc với nước
- Đồng hồ mỏng (máy và pin mỏng): kháng nước ở mức trung bình
- Đồng hồ nữ dạng lắc tay: thường là 3ATM, kháng nước yếu hoặc trung bình
- Đồng hồ dây da: tránh ngâm nước quá lâu để bảo vệ dây da khỏi bong tróc.
- Đồng hồ thể thao, Chronograph: chịu nước tốt, nhiều mẫu phù hợp với bơi hoặc lặn.
- Đồng hồ có gioăng chống nước: hiệu quả kháng nước tốt, tránh thay thế linh kiện vì có thể ảnh hưởng đến kết cấu và khả năng chống nước.
Đồng hồ siêu mỏng có khả năng kháng nước yếu
4. Đồng hồ bị vào nước nguyên nhân do đâu?
Do chưa đủ kiến thức và kỹ năng, nhiều người dùng sau khi thấy đồng hồ bị ngấm nước mà không rõ lý do là gì. Dưới đây là một vài nguyên nhân thường gặp mà ít ai để ý khiến nước xâm nhập vào bộ máy thiết bị.
- Do va chạm mạnh: Lực tác động có thể làm hở hoặc vỡ kết cấu của sản phẩm, đặc biệt là mặt kính. Nếu gặp tình trạng này, bạn hãy cầm đồng hồ đi kiểm tra hoặc thay mới kịp thời.
- Ấn chốt trong môi trường ẩm ướt: Chỉ một thao tác nhỏ khi đồng hồ đang tiếp xúc với nước cũng có thể khiến nước thấm vào bộ máy.
- Tiếp xúc với chất tẩy rửa: Khi rửa bát, tắm hoặc giặt đồ, các hoá chất có thể làm mục ron cao su khiến khả năng kháng nước giảm sút.
- Môi trường nước muối: Các dòng đồng hồ thông thường sẽ dễ dàng bị mòn ron khi tiếp xúc với nước biển.
- Nhiệt độ cao: Nước nóng hoặc thời tiết gay gắt sẽ khiến cao su giãn nở, phá vỡ lớp bảo vệ bên trong.
Trong trường hợp phát hiện đồng hồ bị vào nước, bạn nhanh chóng mang đến trung tâm bảo hành uy tín để được khắc phục kịp thời. Ngoài ra, người dùng cũng nên tham khảo cách “sơ cứu” thiết bị tại nhà nếu chưa thể mang đi sửa ngay.
Chất tẩy rửa, nhiệt độ cao,...có thể khiến đồng hồ giảm khả năng chịu nước
5. Bí kíp dùng đồng hồ kháng nước bền lâu
Mặc dù được trang bị tính năng kháng nước nhưng đồng hồ của bạn vẫn cần bảo dưỡng và sử dụng đúng cách để duy trì chất lượng bền bỉ. Dưới đây là một vài lưu ý quan trọng để phụ kiện hoạt động lâu dài:
- Sau một thời gian sử dụng, các ron cao su thường sẽ xuống cấp và giảm khả năng chống nước. Vì vậy, người đeo cần kiểm tra và bảo dưỡng sản phẩm định kỳ để phát hiện kịp thời những lỗi hư hỏng và thay mới.
- Sau khi đi mưa, tắm biển hoặc bơi lội, bạn hãy rửa đồng hồ bằng nước sạch và lau khô để hạn chế sự ăn mòn từ hóa chất hoặc muối.
- Trước khi tiếp xúc với nước, người dùng cần đảm bảo các núm vặn được đóng kín, tuyệt đối không rút chốt khi đang trong môi trường ẩm ướt.
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về ATM trên đồng hồ, chỉ số chống nước của đồng hồ đeo tay. Tùy theo đặc thù công việc và nhu cầu, mọi người có thể lựa chọn mức kháng nước phù hợp. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, bạn đừng ngần ngại liên hệ với Watchstore để được tư vấn miễn phí nhé!